2019-01-23 10:34:31
Một buổi chiều nọ, một sáng tác gia đang ngồi bất động trước thư án của mình, ông vắt hết trí não nhưng không thể nào tìm được linh cảm sáng tác. Nhất thời cao hứng, ông lấy một tờ giấy trắng, làm phép tính, nếu mình sống đến 80 tuổi thì sẽ còn lại bao nhiêu ngày tháng nữa. Cứ như thế, hết tờ này đến tờ khác, đột nhiên ông khóc ồ lên. Thì ra ông lãnh hội được, nếu sống đến 80 tuổi thì những ngày tháng còn lại trên thế gian này rất khó mà đánh giá được.
Cuộc đời của chúng ta, thật ra có bao nhiêu ngày tháng chúng ta sống cho ra sống? Hay là chúng ta chỉ vội vội vàng vàng trong công cuộc mưu sinh, đui mù trong sự hoan lạc sắc dục, tham đắm vào việc hưởng thụ vật chất, so đo cao thấp trước sau, suốt ngày bận rộn theo đuổi, nhưng lại không hiểu được ý nghĩa thật sự trong đó?
Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn than thở: “ Thời gian chớp nhoáng trong chốc lát, phù thế đâu thể ở được lâu”.
Chúng ta hãy nghĩ xem, vũ trụ thì dằng dặc mênh mông, đời người thì lại ngắn ngủi như hạt sương buổi sáng, sao có thể không nắm chặt hiện tại, sống cho đàng hoàng tử tế được?
Người sống một đời, cỏ sống một mùa. Trong cửa Phật, bao nhiêu Tổ sư Đại đức xem sinh mạng như báu vật, xem thời gian như vàng bạc, từng phút từng giây, từng sát từng na đều sống rất chân thật. Tôn giả Đại Ca Diếp dù tuổi đã già, vẫn kiên trì giữ lối tu khổ hạnh đầu đà. Thiền sư Bách Trượng đích thân thực hiện châm ngôn “ một ngày không làm một ngày không ăn”. Đại sư Ấn Quang thường quán chữ ‘ chết’, để cảnh giác, trân trọng những phút giây hiện tiền. Lão thiền sư trả lời thiền sư Đạo Nguyên, “ Bây giờ không phơi nấm, đợi đến khi mặt trời xuống núi mới phơi à?”. Trong kinh Đại bảo tích thì miêu tả Bồ tát “ thường làm Phật sự, không hề ngơi nghỉ”.Nói chung những việc như thế, đều là những tấm gương và kiểu mẫu để chúng ta noi theo.
Đời mình có đúng ý nghĩa hay không thật sự không thể dùng năm tháng để tính toán, sinh mạng thật sự thì siêu việt thời không. Phải dùng thái độ chư Tổ sư Đại đức, toàn tâm toàn ý mà sống, chúng ta mới có thể lĩnh hội được chân ý nghĩa của cuộc đời và sinh mạng thật sự của mình.
( Nguồn sách: Quán Tự Tại – Đại sư Tinh Vân )